
Thăng tiến không phải là quyết định của mỗi cấp trên
Chúng ta vẫn thường cho rằng thăng tiến chính là phần thưởng mà cấp trên, nhà lãnh đạo dành cho những cống hiến của mình với doanh nghiệp. Chính vì thế ngoài nỗ lực hết mình để được công nhận và chờ đợi, chúng ta gần như không hề chủ động trong việc thăng tiến.

Bạn có bao giờ thử suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề “Tại sao thăng tiến là việc của mình nhưng quyết định lại nằm ở cấp trên” chưa? Có phải chỉ có cấp trên mới được đánh giá và công nhận năng lực và quyết định lộ trình sự nghiệp của bạn hay không? Hãy lắng nghe chia sẻ của các nhà lãnh đạo cấp cao tại sự kiện Begin.Again do VietnamWorks tổ chức vào tháng 07/2019 vừa qua về vấn đề này nhé!
Thăng tiến bị động – Con dao hai lưỡi của thành công
Trong phần tọa đàm giữa các nhà lãnh đạp cấp cao tại sự kiện Begin.Again, chị Văn Thị Anh Thư – Vice President – Human Resources của Suntory PepsiCo Việt Nam đã chia sẻ rằng:
Hầu hết các nhân sự đều trong tình trạng thăng tiến bị động. Nghĩa là các bạn hầu như chỉ chờ đợi cấp trên nhận ra năng lực, cống hiến của mình và quyết định xem có được thăng tiến hay không. Rất hiếm trường hợp các bạn chủ động đề nghị được thăng tiến. Nhưng hành động chờ đợi này là không đúng.
Và quan niệm này được doanh nhân Thái Vân Linh và các nhà lãnh đạo cấp cao từ Navigos Search, Buzzmetrics đồng ý vì chúng ta không thể chờ mãi từ ngày này sang tháng khác để nhận sự công nhận, tán thành từ một người khác cho mọi nỗ lực, cống hiến của mình. Bên cạnh đó, việc thăng tiến bị động chính là con dao hai lưỡi có thể giết chết sự nghiệp của chúng ta bất cứ lúc nào.

Hãy thử tưởng tượng, một ngày khi mọi nỗ lực của bạn được ghi nhận và đề bạt lên một vị trí cao hơn. Nhưng khối lượng và tính chất công việc lại không hề phù hợp với tính cách cũng như định hướng sự nghiệp của bạn. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp được thừa nhận năng lực thông qua kết quả công việc và đề xuất lên chức vụ mới. Nhưng khi bắt đầu công việc mới, nhân sự ấy trong thế bị động hoàn toàn và chỉ có thể cố gắng đáp ứng công việc một cách nặng nề. Khi không thể hoàn thành tốt công việc, hiển nhiên nhân sự ấy bị đánh giá và nghi ngờ về năng lực bản thân.
Lúc này, bạn có thể coi là đã chinh phục thêm một bậc của thành công nhưng cảm giác bất lực, mệt mỏi sẽ đeo bám mỗi ngày làm việc. Liệu bạn có thể chịu đựng và cố gắng được bao lâu? Thành công khi bị chính bản thân và mọi người xung quanh nghi ngờ có thỏa mãn được bạn hay không?
Hãy để thăng tiến là quyết định của bạn
Trong suy nghĩ của mỗi người, chắc hẳn ai ai cũng muốn bản thân được thăng tiến trong sự nghiệp nhưng lại không nghĩ đến việc chính chúng ta sẽ là người quyết định sự thăng tiến của mình. Nỗ lực, phấn đấu và đợi chờ thăng tiến là chưa đủ, vì “thăng tiến là việc của chúng ta, không ai quyết định được”. Thêm nữa, là người hiểu rõ bản thân muốn gì, bạn sẽ nhận ra được rằng bạn có đủ năng lực, có đủ tiềm năng và thích hợp với vị trí mới hay không.
Vì thế, lời khuyên của các diễn giả trong sự kiện Begin.Again chính là chúng ta cần phải làm chủ được cơ hội thăng tiến của bản thân bằng việc đặt ra kế hoạch, mục tiêu trong sự nghiệp của mình. Từng bước thực hiện chúng bằng cách nhìn nhận khách quan điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó, học hỏi và rèn luyện từng ngày để hoàn thiện kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Khi một cơ hội đến, với sự vững vàng về chuyên môn và các kĩ năng, bạn sẽ là người làm chủ được thăng tiến của mình chứ không phụ thuộc vào ai khác. Thậm chí, khi năng lực đã hoàn thiện bạn hoàn toàn có thể tự tin đề xuất với cấp trên về mong muốn của mình.